Tìm kiếm nâng cao

Tìm giải pháp vận hành hệ thống quản lý hệ thống thủy lợi vùng Tứ Giác Long Xuyên

 (Cổng TTĐT An Giang) -  Ngày 31/7, tại tỉnh An Giang diễn ra buổi họp bàn tìm giải pháp vận hành hệ thống quản lý Thủy lợi vùng Tứ Giác Long Xuyên giữa Tổng Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ (nằm trong vùng Tứ Giác Long Xuyên).


Vùng Tứ Giác Long Xuyên có tổng diện tích tự nhiên khoảng 498.141 ha, trong đó An Giang có 245.084 ha, Kiên Giang 238.057 ha còn lại là Cần Thơ 15.000 ha. Địa hình vùng Tứ Giác Long Xuyên tương đối thấp và khá bằng phẳng.

Những năm qua, được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình thoát lũ, kiểm soát lũ như kênh Vĩnh Tế, Kênh Cần Thảo, Kênh K.10, tuyến đê Nam Vĩnh Tế ngăn lũ tràn biên giới từ Châu Đốc đến kênh Hà Giang; đập tràn Xuân Tô; đập cao su Trà Sư, Tha La, hệ thống công trình ngăn mặn, thoát lũ ra biển Tây.


Theo ông Nguyễn Huy Khôi, Phó Trưởng phòng quy hoạch công nghệ (Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam): Trong 2 năm gần đây, lũ lụt ở khu vực Đồng bằng Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có vùng sâu Tứ Giác Long Xuyên có chiều hướng lũ thấp hơn những năm trước, không thay đổi nhiều. Riêng năm 2015, dựa trên số liệu phân tích và so sánh với số liệu trong lịch sử ở các trạm trên dòng chính sông Mê Kông và diễn biến mưa đầu mùa lũ, có khả năng lũ sẽ không lớn.

Tuy nhiên đây chỉ là nhận định ban đầu, vì vậy mà các tỉnh không chủ quan, cần tiếp tục giám sát, phân tích và dự báo, cập nhật các thông tin về bão, và áp thấp nhiệt đới, để ứng phó kịp thời. Thống nhất giữa tỉnh An Giang, Kiên Giang vận hành 2 đập Tha La, Trà Sư khi lũ chính vụ muộn nhất vào ngày 5/9 đến trung tuần tháng 11 nhằm đảm bảo cho thu hoạch xong vụ Hè Thu và giảm bơm tưới cho vụ Đông Xuân.


Ông Vương Hữu Tiếng, Phó Chi cục trưởng Thủy Lợi An Giang: Sau khi thu hoạch hoàn toàn lúa hè thu vào đầu tháng 9 hàng năm, hai đập Tha La, Trà Sư phục vụ cho cả vùng Tứ Giác Long Xuyên bắt đầu vận hành mở để xả lũ, để giảm mực lũ thượng nguồn (từ Campuchia) đổ vào tỉnh an Giang để vào sâu khu vực ĐBSCL. Từ hệ thống này đã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất vụ thu đông , đông thời kết hợp hệ thống đê bao tạo cơ sở hạ tầng đầu tư giao thông nông thôn liên hoàn giữa các khu vực các huyện, các tỉnh trong vùng Tứ Giác Long Xuyên. Sau khi thu hoạch vụ thu đông tỉnh An Giang tiến hành đóng cửa 2 đập Tha La, Trà Sư nhằm hạ thấp mực nước trên các kênh rạch nội đồng, tạo điều kiện tốt cho sản xuất vụ mới đông xuân năm sau. Hiện nay hai đập đã xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy An Giang cần Tổng cục Thủy Lợi đánh giá, định hướng hiệu quả chống lũ và sản xuất của vùng Tứ Giác Long Xuyên hỗ trợ kinh phí xây dựng lại 2 cống chính Tha La, và Trà Sư, đây là công trình chính an toàn cho việc thoát lũ và xâm ngập mặn cho cả vùng Tứ Giác Long Xuyên, hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, đồng thời đề xuất: nên vận hành theo hình thức đóng, mở theo kế hoạch hàng năm hay mở đập xuyên suốt để nước lên xuống bình thường, tạo phù sa màu mỡ cho vùng đất sản xuất mà nước lũ đi qua.


Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng: Kết cấu sản xuất của tỉnh An Giang (là tiếp nhận lũ) khác với tỉnh Kiên Giang (thoát lũ, xâm ngập mặn). Tuy có thuận lợi về kinh phí được ưu tiên đầu tư tốt, nhưng do việc vận hành đóng mở cống, đập cũng khác nhau. Vì vậy để có giải pháp vận hành quản lý hệ thống thủy lợi vùng Tứ Giác Long Xuyên có hiệu quả cần thiết hỗ trợ xây dựng nhiều cống, đập; Thành lập Hội đồng Quản lý vận hành hệ thống thủy lợi các tỉnh trực thuộc Cục Thủy lợi để gặp gỡ trao đổi thông tin giữa các tỉnh vùng Tứ Giác Long Xuyên; Nghiên cứu thay đổi vận hành hệ thống thủy lợi; Có cảnh báo mực nước thường xuyên để nhân dân chủ động phòng ngừa; Đặc biệt xem xét từng bước chuyển dịch lúa hè thu sang vụ thu đông, tổ chức vụ đông xuân sớm hơn trước đây để điều tiết đóng mở hệ thống thủy lợi thuận lợi cho tất cả các tỉnh nằm trong vùng Tứ Giác Long Xuyên; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nên quy hoạch số vụ sản xuất trong năm, nhằm phù hợp tình hình thời tiết bất thường như hiện nay.


Ông Lê Minh Hùng, Phó Tổng cục Thủy lợi khẳng định: Vùng sâu Tứ Giác Long Xuyên trước đây sản xuất rất khó khăn, chỉ có 1 vụ mùa/năm, trình độ, kinh nghiệm sản xuất của nông dân thấp.... vì vậy hiệu quả sản xuất chưa hiệu quả, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhưng từ khi được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi nội đồng, chống lũ, ngăn mặn, làm chuyển biến cho khu vự này, tăng lên số lần sản xuất 3 vụ/năm, đời sống nhân dân khấm khá. Tuy nhiên diễn biến thời tiết bất thường, nên nhu cầu đầu tư còn rất lớn, các công trình xuống cấp cần được tu bổ... vì vậy trong thời gian tới Tổng cục sẽ tiến hành rà soát lại tất cả hệ thống các công trình thủy lợi của các tỉnh thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên để tiến hành sửa chữa, xây dựng lại, nhằm để đảm bảo phục vụ hài hòa sản xuất cho các tỉnh, Tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh. Ông Lê Minh Hùng, Phó Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị các tỉnh trong khu vùng Tứ Giác Long Xuyên nên thống nhất thời điểm xả lũ để không làm ảnh hưởng đến các vụ mùa sản xuất. Hy vọng nâng hiệu quả hơn nữa về sản xuất cũng như cải thiện đời sống cho nhân dân trong toàn vùng Tứ Giác Long Xuyên./.


V.Trung - T.Trang (TTXVN - An Giang)