Tìm kiếm nâng cao

Ngày 30/7, tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị Hội đồng quản lý hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên.
Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam, các tỉnh Kiên Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ.
Theo đánh giá, nhìn chung thời gian qua việc quản lý khai thác, vận hành và bảo vệ hệ thống các công trình thủy lợi đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Vận hành, khai thác các công trình cống, đập đảm bảo kiểm soát lũ, phòng chống lũ lụt, hạn hán, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nước tưới tiêu, giao thông thủy và đời sống dân sinh. Đặc biệt là vận hành 2 đập Tha La và Trà Sư (An Giang) phục vụ chung cho toàn vùng Tứ giác Long Xuyên đáp ứng yêu cầu sản xuất, đảm bảo lợi ích của người dân trong vùng.
 Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng một số công trình không còn phù hợp với nhiệm vụ thiết kế ban đầu, việc đóng hay mở cống phải tùy thuộc vào điều kiện thủy triều; các cống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phải đóng cưỡng bức để giữ ngọt. Cơ cấu mùa vụ, lịch thời vụ sản xuất của các tỉnh không giống nhau nên việc vận hành công trình thủy lợi để đáp ứng nhu cầu chung của vùng gặp khó khăn. Đồng thời còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, thủy văn nên chưa lập được quy trình vận hành thống nhất 2 đập Tha La, Trà Sư và các cống giữa các địa phương.
Đại biểu tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, 2 đập Tha La và Trà Sư xuất hiện một số vết răn nứt, nguyên nhân do đập được thiết kế để vận hành bảo vệ sản xuất lúa hè thu nhưng những năm gần đây nhiệm vụ của 2 đập này đã thay đổi để bảo vệ diện tích sản xuất vụ lúa Thu Đông trên 140.000 ha. Do đó, trong điều kiện thời tiết khí hậu, thủy văn bất thường như hiện nay các đập cao su này khó có thể đảm bảo an toàn trong mùa lũ.
Nhiều đại biểu kiến nghị, việc vận hành hệ thống công trình thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên cần phối hợp chặt chẽ giữa 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang; đóng hệ thống cống dọc đê biển Kiên Giang để kiểm soát mặn, giữ nước ngọt nhằm bảo vệ sản xuất trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn có thể xảy ra; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những vết răn nứt 2 đập Tha La, Trà Sư; Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với điều kiện thực tế phục vụ sản xuất hiệu quả, xem xét và cho ý kiến về việc có cần thiết đầu tư thêm 8 cống thủy lợi trên tuyến Quốc lộ 91.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi khẳng định: Việc củng cố, rà soát lại hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên là điều cần thiết và cấp bách, đặc biệt xem xét lại thiết kế cửa cống để đảm bảo giữ ngọt, ngăn mặn hiệu quả. Đồng thời yêu cầu các địa phương trong vùng Tứ giác Long Xuyên cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc vận hành hệ thống công trình nhằm bảo vệ sản xuất trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặm và hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong vùng; nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục và đảm bảo sử dụng hiệu quả 2 đập Tha La, Trà sư, giảm thiệt hại về người và tài sản khi lũ về.
Vùng Tứ giác Long Xuyên nằm trên địa phận 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên 488.935 ha. Trong đó, An Giang 239.203 ha, Kiên Giang 237.879 ha, Tp. Cần Thơ 15.178 ha. Vùng này được giới hạn bởi Kênh Vĩnh Tế, sông Hậu, Quốc lộ 80 và kênh Rạch Giá - Hà Tiên, sản xuất lúa hơn 5 triệu tấn/năm./.